TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y-DƯỢC THÁI NGUYÊN

KHOA Y TẾ CÔNG CỘNG


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 

Thái Nguyên, ngày  15  tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA Y TẾ CÔNG CỘNG

GIAI ĐOẠN 2020 – 2025, TẦM NHÌN 2030

 

1. PHÂN TÍCH BỐI CẢNH

 1.1 Bối cảnh

  Việt Nam đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế. Có sự cạnh tranh ngày càng cao giữa khối trường công lập, trường tư, trong nước và quốc tế. 

Nhu cầu về nhân lực y tế công cộng tại các cơ sở y tế trong toàn quốc vẫn còn phổ biến. Nhu cầu phát triển nghiên cứu khoa học mạnh mẽ ở các cơ sở y tế và nhu cầu hợp tác nghiên cứu khoa học với quốc tế ngày càng gia tăng.

  Khoa Y tế công cộng được thành lập vào ngày 21 tháng 4 năm 2010 gồm có 05 bộ môn: Y xã hội học, Y học cộng đồng, Dịch tễ học, Môi trường độc chất và Sức khỏe nghề nghiệp.  Để đáp ứng nhu cầu đào tạo 2 bộ môn: Môi trường độc chất và Sức khỏe nghề nghiệp được sát nhập thành Bộ môn Sức khỏe Môi trường – Sức khỏe nghề nghiệp theo quyết định Số: 828/QĐ-YD, ngày 02/08/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược.

     1.2. Thực  trạng của Khoa Y tế công cộng

     1.2.1. Điểm mạnh

- Hiện nay khoa Y tế công cộng gồm có 05 bộ môn: Y xã hội học, Y học cộng đồng, Dịch tễ, Sức khỏe Môi Trường - Sức khỏe nghề nghiệp. Dinh dưỡng & An toàn vệ sinh thực phẩm. Khoa có đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhiều cán bộ được đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ tại nước ngoài như Thái Lan, Úc, Nhật, Hà Lan..

- Khoa Y tế công cộng là một khoa chuyên môn trực thuộc Đại học Y - Dược, được thừa hưởng cơ sở vật chất dùng chung và nền tảng khoa học cơ bản vững chắc; các giảng viên đều được tham dự nhiều các lớp tập huấn do nhà trường triển khai để giúp nâng cao trình độ chuyên môn.

- Các giảng viên khoa Y tế công cộng luôn nhiệt huyết với công việc, đoàn kết, được đào tạo đúng chuyên ngành, luôn tích cực trong bồi dưỡng nâng cao kiến thức và nghiên cứu khoa học đã đăng tải nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

     1.2.2. Điểm yếu

- Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các hoạt động giảng dạy và đặc biệt là nghiên cứu khoa học đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Tính chuyên nghiệp chưa cao, hầu hết cán bộ quản lý trưởng thành từ chuyên môn, cán bộ ít được đào tạo về quản lý, nên quản trị theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

  1.2.3. Cơ hội

- Được sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà trường nên các hoạt động của khoa luôn được triển khai hiệu quả. Các cán bộ của các bộ môn trong khoa phối hợp tốt và có tính đoàn kết cao.

- Nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực về y tế nói chung và y học dự phòng nói riêng khá cao. Các nhu cầu về dịch vụ y tế chất lượng cao; hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của người bệnh và cộng đồng, sự phát triển bền vững.

 1.2.4. Thách thức

- Cạnh tranh từ các trường Đại học Y tế công cộng, Viện Y học dự phòng – y tế công cộng và  các trường đại học sức khoẻ

- Xu hướng ghép các cơ sở y tế hệ dự phòng tuyến huyện và tuyến tỉnh sẽ dẫn tới những khó khăn cho đầu ra ngành y học dự phòng.

- Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho Bác sỹ y học dự phòng bị hạn chế ở một số chuyên ngành lâm sàng do vậy khó khăn trong  thực hành nghề nghiệp.

2. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

2.1. Sứ mạng

Khoa Y tế công cộng (YTCC)-Trường Đại học Y - Dược-Đại học Thái Nguyên có sứ mạng đào tạo nguồn  nhân lực y tế công cộng, y học dự phòng trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế; cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.       

2.2. Tầm nhìn

Xây dựng và phát triển Khoa YTCC trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành y tế; có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

2.3. Mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2020-2025        

Phát triển khoa YTCC có đội ngũ nhân lực trình độ chuyên môn cao; khả năng nghiên cứu cứu khoa học tốt; nâng cao chất lượng đào tạo một cách toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và sẵn sàng hội nhập quốc tế.

3. NỘI DUNG KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020-2025

3.1. Phát triển nguồn nhân lực          

3.1.1. Mục tiêu

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo về số lượng, chất  lượng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, mở rộng lĩnh vực giảng dạy để có thể đảm đương mọi lĩnh vực đào tạo.

3.1.2. Giải pháp

- Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhân sự theo chủ trương của Nhà trường. Đến năm 2025, Khoa sẽ cử thêm 4 thạc sỹ đi học nghiên cứu sinh, cử 2 bác sỹ đi học thạc sỹ, phấn đấu đến 2030 có 100% giảng viên đểu có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Bên cạnh đó khuyến khích các giảng viên tham gia các khoá bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học …

- Phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên nghiệp hóa, tham mưu cho Nhà trường xây dựng kể hoạch tuyển dụng phù hợp theo từng năm để đáp ứng với kế hoạch phát triển nhà trường, đảm bảo sự kế thừa, ổn định và phát triển; đẩy mạnh công tác đào tạo chuẩn hóa đội ngũ, đặc biệt giảng viên và đội ngũ cán bộ trình độ cao. Mục tiêu đến năm 2025 khoa sẽ tuyển thêm 4 cán bộ, đến năm 2030 tuyển thêm tổng là 8 cán bộ.

- Cải thiện, tạo môi trường làm việc tốt, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và hiệu quả gắn với cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Quan tâm việc cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, sự tâm huyết, mong muốn được cống hiến của viên chức, người lao động.

3.2. Nâng cao chất lượng đào tạo     

3.2.1. Mục tiêu

- Rà soát, cập nhật, đổi mới, phát triển chương trình đào tạo các ngành và bậc học của trường đáp ứng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu xã hội. Đổi mới quản lý, tổ chức đào tạo phù hợp thực tế.

- Thực hiện đánh giá chương trình đào tạo theo quy định và kế hoạch của Nhà trường. Xây dựng chương trình đào tạo sau đại học:  chuyên khoa II  cQuản lý bệnh viện, chuyên khoa I và chuyên khoa II  Y học dự phòng. Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn.

3.2.2. Nhóm giải pháp

- Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hướng dẫn và kế hoạch của nhà trường về đánh giá và xây dựng chương trình đào tạo.

- Chủ động rà soát, chỉnh sửa cập nhật biên soạn tài liệu giảng dạy cho các đối tượng đại học và sau đại học theo đúng quy định đảm bảo chất lượng, Tích cực xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học và các lớp ngắn hạn.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy, lượng giá đặc biệt là giảng dạy thực tập, tạo được động lực để phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học.

3.3. Nghiên cứu khoa học      

3.3.1. Mục tiêu

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng  tính ứng dụng, tiếp cận thực tiễn và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

- Cải thiện chất lượng và tăng số lượng các bài báo công bố trong nước và quốc tế, đặc biệt là các công bố trên hê thống ISI, Scopus.

3.3.2. Nhóm giải pháp

- Tập trung nhân lực cho các đề tài  trong và ngoài nước. Tổ chức, đồng tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Có kế hoạch công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

- Tăng cường vai trò của các bộ môn trực thuộc khoa trong nghiên cứu khoa học, giao chỉ tiêu cho từng bộ môn. Tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên có nhiều cơ hội  tham gia những hoạt động nghiên cứu, các hội thảo tổ chức ở trong nước và ở nước ngoài.

- Phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ sinh viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học.

3.4. Hợp tác quốc tế    

3.4.1. Mục tiêu

Tăng cường các cơ hội hợp tác với quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khao học, các nguồn học bổng, tài chính từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ để phục vụ việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên cũng như việc hợp tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.

3.4.2. Nhóm giải pháp

- Duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với các đối tác hiện hành tại Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mở rộng hợp tác với các đối tác mới tại Châu Á và các khu vực khác trên thế giới.

- Huy động các nguồn lực từ các đối tác của khoa nhằm đẩy mạnh hợp tác sâu rộng và toàn diện.

- Đẩy mạnh tìm kiếm các chương trình, dự án Hợp tác quốc tế về Đào tạo, Khoa học công nghệ và phục vụ xã hội. Phối hợp với các Trường  và các cơ quan khác nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động Hợp tác quốc tế.

3.5. Về người học và kết nối cộng đồng         

3.5.1. Mục tiêu

- Tạo môi trường chính trị - xã hội tốt để CBVC, sinh viên, học viên công tác, học tập, rèn luyện; hình thành và xây dựng văn hoá Khoa YTCC.

- Có hệ thống tư vấn, hỗ trợ cho người học hiệu quả, đổi mới cách thức tổ chức quản lý người học theo hướng linh hoạt, tích cực, tạo thuận lợi cho người học và đảm bảo đúng quy chế đào tạo các đối tượng, bậc học.

3.5.2. Nhóm giải pháp

- Phát huy tinh thần “kỷ cương - trách nhiệm - dân chủ - lợi ích”. Chấp hành sự lãnh đạo của trường, tăng cường vai trò lãnh đạo của Trưởng khoa, vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động của Khoa.

- Xây dựng văn hoá Khoa YTCC theo tinh thần khoa học, dân chủ, thân thiện

- Đổi mới nội dung, các hình thức và phương pháp tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, học viên gắn với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

- Kết hợp Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, tạo sân chơi lành mạnh cho HSSV thông qua các phong trào Đoàn - Hội. Thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cố vấn học tập trong công tác hỗ trợ sinh viên xây dựng kế hoạch học tập và rèn luyện, tư vấn sinh viên trong việc rèn luyện bản thân, định hướng nghề nghiệp và phục vụ cộng đồng.

TM KHOA Y TẾ CÔNG CỘNG

TRƯỞNG KHOA

 

 (Đã ký)

 TS. Nguyễn Thị Tố Uyên

Xem file tại đây