Vi rút Zika là một vi rút thuộc họ Flaviviridae được phân lập lần đầu tiên từ một con khỉ Rhesus trong rừng Zika của Uganda vào năm 1947. Bệnh do Zika có thời gian ủ bệnh khoảng 3 – 12 ngày và thường có biêu hiện như sốt nhẹ 37.5°C đến 38°C, nổi ban, dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Vi rút Zika có thể gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Trẻ bị chứng đầu nhỏ thường chậm phát triển trí tuệ, thể chất và gây biến dạng khuôn mặt…

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến tháng 3/2017, có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận 9/11 quốc gia có sự lưu hành vi rút Zika là Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Căm Pu Chia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Bệnh do vi rút Zika vẫn đang có dấu hiệu lan rộng tại Châu Á do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 4/2017 đã ghi nhận 212 trường hợp mắc rải rác tại 10 tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung ở khu vực phía Nam và chưa bùng phát thành dịch lớn (gồm Thành phố Hồ Chí Minh (184), Bình Dương (09), Khánh Hòa (07), Đồng Nai (04), Long An (01), Bà Rịa - Vũng Tàu (02), Tây Ninh (01), Đắk Lắk (02), Lâm Đồng (01) và Phú Yên (01); trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến virus Zika tại Đắk Lắk. Nhiều trường hợp được ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước và không có tiền sử đi về từ vùng dịch, điều đó cho thấy Việt Nam đã có sự lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng. Ngoài ra, với các hoạt động giao lưu, thương mại, du lịch giữa các địa phương ngày càng gia tăng, thì nguy cơ lây nhiễm, lan rộng từ các trường hợp nhiễm vi rút Zika từ địa phương này sang địa phương khác là rất lớn và có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Vi rút Zika có thể lây truyền theo nhiều con đường khác nhau.

- Qua muỗi truyền: đây là đường lây truyền chính của vi rút Zika. Vi rút Zika lây truyền qua người thông qua các vết muỗi đốt chủ yếu là muỗi vằn (Aedes) ở các vùng nhiệt đới. Đây cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng da. Loài muỗi này thường sống và đẻ trứng ở vùng nước lặng như trong thùng, chum vại, máng thức ăn, lọ - bình hoa,…Hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Chúng có thể đốt con người cả ban ngày và ban đêm. Muỗi bị nhiễm vi rút Zika sau khi đốt vật chủ và sau đó tiếp tục lây truyền vi rút cho những người khác qua vết muỗi đốt.

- Truyền từ mẹ sang con: phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika có thể truyền cho thai nhi trong quá trình mang thai hay trong thời gian sinh con. Vi rút Zika là nguyên nhân của tật đầu nhỏ và một số dị tật thần kinh nặng ở trẻ.

- Qua đường tình dục: vi rút Zika có thể được truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục ngay cả khi chưa có các biểu hiện của bệnh tại thời điểm quan hệ.

- Qua truyền máu: hiện tại chưa có một nghiên cứu nào khẳng định rằng Zika được truyền qua đường truyền máu.

Các biện pháp phòng bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với vi rút Zika, để phòng bệnh do vi rút Zika chủ yếu sử dụng các biện pháp không đặc hiệu như sau.

- Truyền thông giáo dục sức khoẻ: tuyên truyền cho người dân, đặc biệt những người đến/ở/về từ quốc gia có dịch, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại khu vực cửa khẩu, cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh. Vận động người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, thường xuyên ngủ màn và sử dụng các biện pháp khác phòng, chống muỗi đốt.

- Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là diệt bọ gậy, diệt muỗi, phòng muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi như: thả cá vào tất cả các dụng cụ chứa nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước; thay nước, vệ sinh bên trong dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/tuần; lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước khi không dùng đến, loại bỏ các vật phế thải gây đọng nước; đốt hương muỗi, sử dụng bình xịt, máy/vợt diệt muỗi; Ngủ màn kể cả ban ngày; Dùng mành/rèm che cửa sổ; mặc quần áo dài tay; có thể sử dụng thuốc xua muỗi bôi/thoa vào vùng da hở; phun hóa chất phòng, chống dịch; Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.

- Đối với phụ nữ có thai và dự định có thai: không đến các quốc gia đang có dịch khi không cần thiết; nếu phải đến các khu vực có dịch, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Zika theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Người đến/trở về từ vùng có dịch: chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày; đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

- Phòng bệnh lây qua đường tình dục: tất cả bệnh nhân nhiễm vi rút Zika và bạn tình cần được cung cấp thông tin về khả năng vi rút Zika có thể lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp quan hệ tình dục (QHTD) an toàn như sử dụng bao cao su; bạn tình của những phụ nữ có thai mà đang sống hoặc trở về từ khu vực có vi rút Zika đang lây truyền cần thực hiện QHTD an toàn hoặc kiêng QHTD trong suốt giai đoạn thai kỳ; những người đang sống trong vùng dịch cũng cần thực hiện các biện pháp QHTD an toàn hoặc kiêng QHTD; những người trở về từ vùng dịch cũng cần thực hiện QHTD an toàn hoặc kiêng QHTD ít nhất 4 tuần sau khi trở về.